Rạp chiếu bóng mini
Bài học STEM
Trang chủ/ Sản phẩm/ Chủ Đề STEM/ Rạp Chiếu Bóng Mimi
Mục Lục
Yêu cầu cần đạt
Đồ dùng dạy học
Hoạt động mở đầu
Hoạt động hình thành kiến thức mới
Hoạt động luyện tập vận dụng
Đánh giá
Chủ đề 4: Rạp chiếu bóng mini
Thời lượng: 2 tiết (70 phút)
Nội dung chủ đạo và tích hợp trong bài học ________________
Môn học chủ đạo
Tự nhiên và Xã hội
  • Mô tả được một số hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh, gió,... ở mức độ đơn giản.
  • Nêu được sự cần thiết phải theo dõi dự báo thời tiết hàng ngày.
Môn học chủ đạo
Toán (Vận dụng)
  • Đọc và viết được số đo độ dài trong phạm vi 100cm
  • Sử dụng được một số dụng cụ thông dụng, để thực hành cân, đo, đong, đếm, xem thời gian, mua bán với các đơn vị đo đại lượng và tiền tệ đã học
I. Mục tiêu
1. Năng lực
  • Thực hiện được thí nghiệm và nêu được nguyên nhân có bóng của vật và sự thay đổi kích thước của bóng khi vị trí của vật hoặc nguồn sáng thay đổi.
  • Hợp tác được với các thành viên trong nhóm trong việc thực hiện thí nghiệm, cắt được các nhân vật từ một câu chuyện đơn giản và sử dụng tạo bóng kể lại câu chuyện.
  • Tích cực, chủ động nêu ý kiến cá nhân, lắng nghe, góp ý và đưa ra các kết luận hay điều chỉnh trong quá trình làm việc nhóm.
2. Phẩm chất
  • Chăm chỉ thực hiện các thí nghiệm.
  • Cẩn thận, trung thực trong ghi chép các thông tin khi thực hiện thí nghiệm.
  • Hoàn thành các nhiệm vụ được phân công.
II. Đồ dùng dạy học
1. Chuẩn bị của giáo viên:
STT Thiết bị/Học liệu Số lượng Hình ảnh minh họa
1 Đèn pin 1
2 Đất sét 1
3 Bút chì 2B 1
4 Kéo 2
5 Băng keo 2
6 Xiên que 5
7 Giấy bìa cứng A4 2
8 Giấy in A4 2
9 Giấy nến A4 2
10 Giấy A4 đen 2
11 Giấy bóng kính A4 trong suốt (có thể thay thế bằng giấy bao vở) 2

III. Tiến trình dạy học

1. Hoạt động 1: Xác định nhiệm vụ/vấn đề (15 phút)

  • GV chiếu cho HS xem video tạo bóng bằng tay đặt câu hỏi tại sao dùng tay có thể tạo ra hình các con vật trên tường?
  • Video tạo bóng bằng tay:( https://video.vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/cach-tao-hinh-con-vat-bang-ban-tay-goi-tri-tuong-tuong-3881605.html)
  • HS trả lời: do dùng tay tạo bóng tối ở trên tường.
  • GV giới thiệu với cách tạo bóng tối như vậy người ta đã tạo ra nghệ thuật múa rối bóng và nêu nhiệm vụ bài học: Tìm hiểu nguyên nhân, cách tạo ra bóng tối từ đó thực hiện tạo các nhân vật của một câu chuyện và tạo bóng diễn kịch theo câu chuyện đó.

2. Hoạt động 2: Thực hiện nhiệm vụ

Hoạt động 2.1. Tìm hiểu nguyên nhân tạo bóng và sự thay đổi của bóng

a. Quan sát nhận biết bóng và nguyên nhân tạo bóng

  • GV đặt câu hỏi tiếp: trong thực tế các em gặp bóng của vật/người khi nào? Có điểm gì chung giữa các trường hợp đó?
  • HS trả lời: Người/vật có bóng khi người/đồ vật đi dưới trời nắng, khi trời tối có đèn. Điểm chung là có vật chiếu sáng (mặt trời, đèn,…).
  • GV chiếu 2 hình ảnh tạo bóng tối (nhờ vật chiếu sáng là mặt trời và đèn), yêu cầu HS quan sát và cho biết vật chiếu sáng ở phía nào của bóng tối của người?
  • HS trả lời: Đèn/mặt trời chiếu sáng từ phía bên kia của bóng tối.
  • Giáo viên chốt lại: khi có vật chiếu sáng vào người hay vật không cho ánh sáng xuyên qua (người/vật cản) thì phía bên kia của người/vật sẽ tạo thành bóng tối có hình giống với người và vật cản.

b. Thực hiện thí nghiệm chỉ ra nguyên nhân tạo bóng và sự thay đổi của bóng khi thay đổi vị trí của vật hoặc của nguồn sáng

  • Giáo viên chia lớp thành các nhóm 4-5 học sinh/nhóm bằng cách chọn thẻ màu hoặc đếm số. Yêu cầu học sinh di chuyển về nhóm, bầu trưởng nhóm, thư ký.
  • GV đặt vấn đề: Nguyên nhân tạo bóng có đúng như phát biểu ở trên và khi thay đổi vị trí của vật hoặc của nguồn sáng thì bóng thay đổi như thế nào?
  • Và nêu nhiệm vụ, hướng dẫn thực hiện thí nghiệm: thực hiện thí nghiệm chỉ ra nguyên nhân tạo bóng và tìm hiểu sự thay đổi của bóng khi thay đổi vị trí của vật hoặc của nguồn sáng theo phiếu học tập số 1.
  • HS nghe tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thí nghiệm theo hướng dẫn, ghi chép lại kết quả trên phiếu học tập số 1 (ghi theo nhóm). GV quan sát, hỗ trợ, đôn đốc.
  • GV tổ chức cho các nhóm báo cáo kết quả thí nghiệm theo các nội dung ghi chép và kết luận trong phiếu học tập số 1. So sánh kết quả của các nhóm, phân tích làm rõ nguyên nhân với các kết quả chưa chính xác.
  • GV chốt kiến thức:
      + Khi được chiếu sáng, phía sau vật cản sáng có bóng của vật đó.
      + Bóng của vật thay đổi khi thay đổi vị trí chiếu sáng đối với vật đó.

Hoạt động 2.2. Xác định các tiêu chí đánh giá/yêu cầu với sản phẩm kịch múa rối bóng

  • GV đặt vấn đề làm kịch và các tiêu chí đánh giá sản phẩm: Như vậy khi được chiếu sáng, phía sau vật cản sáng có bóng của vật đó. Bóng của vật thay đổi lớn nhỏ (và cả hình dạng) khi thay đổi vị trí chiếu sáng đối với vật đó. Kiến thức này được vận dụng tạo ra các vở kịch múa rối bóng. Các nhóm đóng vai là các nhà biên kịch, diễn viên thảo luận, vận dụng kiến thức này để thực hiện diễn 1 vở kịch múa rối bóng theo các yêu cầu sau:
      1. Tạo được bóng thể hiện được các nhân vật và các hoạt động/tình tiết của câu chuyện.
      2. Vật liệu làm nhân vật và chiếu sáng phù hợp để tạo được bóng tối đậm.
      3. Vị trí giữa vật chiếu sáng và vật cản phù hợp để bóng của nhận vật có sự thay đổi kích thước trong quá trình diễn (bằng, lớn hơn hoặc bé hơn).
      4. Nội dung câu chuyện có ý nghĩa.
      5. Thời gian diễn kịch cho câu chuyện tối đa 3 phút. (tùy điều kiện và đối tượng HS cụ thể có thể thay đổi các yêu cầu tuy nhiên cần chú ý các tiêu chí 1, 2, 3 thể hiện sự vận dụng kiến thức của bài học cần phải đưa ra được).
  • GV nêu các bước thực hiện tiếp theo:
      + Lựa chọn câu chuyện, nhân vật, vật liệu làm nhân vật, chuẩn bị nội dung diễn kịch
      + Cắt dán, trang trí các nhân vật.
      + Tạo bóng tập diễn kịch.
      + Biểu diễn kịch trước lớp, thảo luận, góp ý, đánh giá, rút kinh nghiệm

Hoạt động 2.3. Lựa chọn câu chuyện, nhân vật, vật liệu làm nhân vật, chuẩn bị nội dung diễn kịch

  • GV hướng dẫn HS thảo luận nhóm lựa chọn câu chuyện, nhân vật, vật liệu làm nhân vật, chuẩn bị nội dung diễn kịch và ghi chép theo hướng dẫn trong phiếu học tập số 2.
  • Lưu ý với HS
      + Chọn câu chuyện, các nhân vật và tình tiết phù hợp đủ để diễn kịch trong thời gian 3 phút (không chọn câu chuyện dài hay có quá nhiều tình tiết).
      + Chọn chất liệu để tạo bóng cho vật phù hợp (đó là vật không cho ánh sáng đi qua).
      + Hình nhân vật phải đủ to, rõ các chi tiết nhỏ.
      + Phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để cùng hoàn thiện sản phẩm. Nên phân đều các nhiệm vụ cho các thành viên trong nhóm.
  • HS thực hiện nhiệm vụ theo phiếu số 2, ghi chép lại nội dung thống nhất theo gợi ý của phiếu. GV quan sát, đôn đốc, đi đến các nhóm nghe, giải đáp vướng mắc và hỗ trợ trong quá trình làm việc nhóm.

Hoạt động 2.4. Cắt trang trí các nhân vật, thử nghiệm chiếu bóng và tập kịch theo thiết kế ở hoạt động 2.3 (thực hiện ở nhà)

  • Các nhóm thực hiện cắt và trang trí các nhân vật, thử nghiệm chiếu sáng tạo bóng và tập diễn kịch
  • GV lưu ý HS các tiêu chí đánh giá/yêu cầu đối với sản phẩm
  • Giáo viên quan sát, hỗ trợ các nhóm học sinh trong quá trình làm việc

3. Hoạt động 3: Báo cáo, tổng kết, đánh giá (35 phút)

  • Giáo viên tổ chức cho các nhóm lần lượt biểu diễn vở kịch, sử dụng rạp chiếu bóng mini(màn hình) giáo viên cung cấp và các nhân vật nhóm đã chuẩn bị, trong vòng 3 phút. Yêu cầu các nhóm xem và ghi lại nhận xét, đánh giá câu chuyện của nhóm bạn bằng cách vote sao/tim theo hướng dẫn trong phiếu đánh giá, đánh giá theo nhóm
  • Giáo viên yêu cầu học sinh trước khi kể chuyện cần trình bày một số nội dung sau:
      Giới thiệu tên câu chuyện và các nhân vật trong câu chuyện và ý nghĩa của câu chuyện.
      Giới thiệu các thành viên trong nhóm và nhiệm vụ của từng thành viên.
      Giới thiệu về nguyên vật liệu nhóm học sinh dùng để tạo bóng cho nhân vật.
  • Khi thảo luận GV chủ động đặt 1 số câu hỏi làm rõ việc vận dụng kiến thức môn chủ đạo, ví dụ:
      + Giải thích tại sao chọn vật liệu của nhóm để tạo nhân vật? đặc điểm của loại vật liệu lựa chọn phải như thế nào?
      + Để nhân vật có thể biến lớn và thu nhỏ, em phải di chuyển vị trí vật so nguồn sáng như thế nào?
      + Muốn bóng được đậm màu, rõ thì cần chú ý gì?
      + Lưu ý gì để nhìn rõ các đường nét của nhân vật? ….
  • Giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả các nhóm. Tổng hợp kết quả đánh giá của từng nhóm bằng cách đếm tim/sao.
  • Chốt lại nguyên nhân tạo bóng và sự thay đổi bóng khi thay đổi vị trí chiếu sáng với vật. Khuyến khích HS có thể tự sáng tác ra vở kịch rối bóng của riêng mình.

IV.Phụ lục

1. Phiếu học tập

Phiếu học tập số 1

BÓNG TỐI XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

1. Nguyên vật liệu

- 1 đèn pin.

- 1 số vật cản sáng như: tờ giấy bìa cứng (khổ A4)/ quyển sách hoặc vở, cây nến,…

- Thước thẳng 20cm.

2. Thực hiện thí nghiệm

Sử dụng các nguyên vật liệu ở trên, tiến hành thí nghiệm theo hướng dẫn dưới đây ghi lại các quan sát và trả lời theo yêu cầu:

Thí nghiệm 1: Đặt đèn pin chiếu vuông góc vào vật thí nghiệm như sơ đồ sau:

Vật thí nghiệm lần lượt thực hiện là tờ giấy bìa cứng (khổ A4)/ quyển sách hoặc vở, cây nến,…

- Ghi lại kết quả vào bảng sau:

Vật thí nghiệm Có tạo bóng Không tạo bóng Vị trí của bóng so với vật thí nghiệm và đèn pin như thế nào?

Kết luận: Khi ta chiếu ánh sáng vào một vật …………………………, bóng tối sẽ xuất hiện…………………. sau vật đó.

Thí nghiệm 2:
  • Chọn 1 vật thí nghiệm làm tiếp thí nghiệm 1.
  • Thực hiện chiếu đèn vuông góc với vật chiếu sáng như thí nghiệm 1 với khoảng cách từ đèn pin đến vật thí nghiệm lần lượt là 20cm, 40cm. Quan sát và so sánh bóng tối trên tường của mỗi vật lí nghiệm.
Kết luận: Bóng của vật ……………(thay đổi/không đổi) khi thay đổi vị trí chiếu sáng đối với vật đó. Vị trí chiếu sáng đối với vật càng xa thì bóng càng …… (nhỏ/to).

Phiếu học tập số 3

CHỌN CÂU CHUYỆN, NHÂN VẬT, TÌNH TIẾT DIỄN KỊCH

VÀ CÁC NGUYÊN VẬT LIỆU CẦN THIẾT

    Thảo luận nhóm hoàn thành các nội dung sau:
    1. Câu chuyện được lựa chọn: ……….
    2. Nhân vật và các tình tiết của câu chuyện lựa chọn để biểu diễn (có thể viết gọn lại mô tả tiến trình của câu chuyện): ……….
    3. Vật liệu lựa chọn làm các nhân vật là ……………. (vì ………….)
    4. Nguyên vật liệu cần sử dụng và phân công chuẩn bị:
STT Dụng cụ/ vật liệu Đơn vị Đánh dấu X nếu nhóm em cần dùng dụng cụ/vật liệu này Số lượng Lý do em cần dùng dụng cụ/vật liệu này Người được phân công
1 Kéo Cây
2 Băng keo Cuộn
3 Xiên que Que
4 Giấy bìa cứng A4 Tờ
5 Giấy in A4 Tờ
6 Giấy nến A4 Tờ
7 Giấy A4 đen Tờ
8 Giấy bóng kính A4 trong suốt Tờ
9 Vật liệu khác....

5. Phân công thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ cụ thể

Thành viên Nhiệm vụ Yêu cầu với sản phẩm Thời hạn hoàn thành

2. Phiếu đánh giá

Vẽ một sao cho mỗi nhận xét dưới đây cho kịch rối bóng của nhóm bạn nếu thực hiện đúng.

Nội đung Đạt
Có đủ các nhân vật trong câu chuyện.
Em có thể phân biệt được bóng của các nhân vật khác nhau.
Thể hiện được các tình tiết trong câu chuyện và được sắp xếp logic, phù hợp.
Di chuyển để thay đổi kích thước bóng của nhân vật trong khi kể chuyện.
Vở kịch thu hút, hấp dẫn người nghe